Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2018

Groupe Danone


I. Tổng quan về Groupe Danone:
         1. Giới thiệu chung:
         Bắt đầu từ xưởng sữa chua tại Barcelona-Tây Ban Nha, trãi dài với lịch sử phát triển hơn 90 năm, tập đoàn Danone đã đặt dấu ấn của mình tại 120 quốc gia từ Âu sang Á như Pháp, Anh, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ và các quốc gia Đông Âu khác cùng Ấn Độ, Úc, New Zealand, Trung Quốc, Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan & Việt Nam… Đặc biệt tại Mỹ, công ty Danone  trực thuộc tập đoàn Danone của Pháp trở thành một trong những nhà sản xuất và chế biến các loại thực phẩm từ bơ sữa hàng đầu thế giới.  Đến nay, Danone đã có 5 trung tâm nghiên cứu lớn ở các nước Pháp, Đức, Hà Lan, Anh, Singapore. Trong đó, có 1200 chuyên gia khoa học đang công tác và liên kết với 500 tổ chức khoa học quốc tế, bao gồm Viện Pasteur uy tín.
         Với 4 dòng sản phẩm chủ lực của mình gồm: dinh dưỡng y tế, nước đóng chai, dinh dưỡng cho bé, sản phẩm sữa, tập đoàn Danone tuy không ngừng đầu tư và phát triển, với phương châm “Mang lại sức khỏe cho thật nhiều người thông qua thực phẩm”.
         Thương hiệu Danone đã chinh phục trọn vẹn người tiêu dùng trên thế giới bằng những sản phẩm vượt trội về chất lượng, cũng như tác dụng tích cực đối với sức khỏe người dùng. Và ánh hào quang càng rực rỡ hơn khi vào năm 2010, tập đoàn Danone được người tiêu dùng bình chọn là tập đoàn thực phẩm dinh dưỡng trẻ em số 1 tại châu Âu & châu Á (theo khảo sát của công ty nghiên cứu uy tín Nielsen Global năm 2010). Trãi qua hành trình chinh phục hàng triệu bà mẹ khắp năm châu, đến nay, Danone có mặt trong danh sách Fortune 500 – một trong số 500 tập đoàn lớn nhất thế giới, là đế chế số 1 trong ngành thực phẩm dinh dưỡng, đồng thời là một trong những tập đoàn có đóng góp lớn nhất cho cộng đồng, xã hội.
2. Lịch sử hình thành và phát triển :
         Lịch sử của tập đoàn Danone bắt đầu vào năm 1919 tại Barcelona-Tây Ban Nha bởi Isaac Carasso, bắt đầu từ nhà máy sản xuất sữa chua nhỏ, sữa chua được công nhận như là một sản phẩm có lợi cho sức khỏe, được sản xuất dựa trên nghiên cứu về men lactic của một người đạt giải Nobel là giám đốc Viện Pasteur Elie Metchnikoff. Mười năm sau, năm 1929, Daniel tung ra thương hiệu tại Pháp với quy mô một công ty có vốn 500.000 FRF, diện tích cửa hàng 78m2, để dành được khách hàng ông không những nhấn mạnh lợi ích sức khỏe mà còn đảm bảo rằng Danone có vị tốt hơn các thương hiệu đối thủ. Năm 1942, trong thời gian Đức chiếm Pháp trong thế chiến thứ II, Daniel di chuyển Công ty sang Mỹ để tránh những bức hại của Phát xít đối với người do thái. Tại đây ông thành lập Công ty và lấy tên theo tiếng Mỹ là Dannon.
         Năm 1951, ông trở lại Paris để tiếp quản các Công ty của gia đình ở Tây Ban Nha và Pháp, các Công ty ở Mỹ được bán lại cho Beatrice Foods vào năm 1959, và đến năm 1981 Danone đã mua lại các Công ty này.
         Một nhánh của Danone Groupe được hình thành vào năm 1966 khi Souchon Neuvesel –công ty sản xuất chai lọ thủy tinh tại Pháp hợp nhất với một nhà sản xuất trong ngành công nghiệp thủy tinh Glaces de Boussois và lấy tên là BSN và người được bổ nhiệm làm tổng giám đốc điều hành đó chính là Antoine Riboud. Vào năm 1968,  sau thất bại trong việc nổ lực tiếp quản – Compagnie de Saint-Gobain, Antoine Riboud đã chuyển đổi hướng kinh doanh và biến BSN trở thành nhà cung cấp thực phẩm lớn nhất tại Pháp vào những năm 1970 thông qua việc mua lại và sáp nhập với một số công ty như Công ty sản xuất nước tinh khiết Evivan, nhà máy bia Kronenbourg và Société de Brasseries.
Năm 1973, công ty tiếp tục hợp nhất với Gervais Danone- công ty sản xuất yagourt, các thực phẩm tươi đóng gói…tạo thành BSN Gervais Danone một công ty thực phẩm lớn hàng đầu tại Pháp. Với Antoine Riboud việc sáp nhập này mang lại một cơ hội mới để mở rộng thị trường hướng vào ngành thực phẩm. Theo quan điểm của Riboud thì để có được thành công công ty nên đặt ra các mục tiêu về xã hội và chiến lược của công ty nên bao gồm cả mục tiêu về xã hội lẫn mục tiêu về kinh tế.
Trong suốt những năm 1970 đến 1980 BSN Gervais Danone đã bán một số bộ phận sản xuất thủy tinh và tập trung phát triển vào lĩnh vực thực phẩm, thiết lập hệ thống vững mạnh thông qua việc mua lại các công ty thực phẩm tại Ý và Tây Ban Nha. Đồng thời BSN cũng mua lại hai nhà sản xuất thực phẩm đông lạnh, kem của Pháp và hai nhà máy bia tại Nigeria .Vào năm 1986 công ty bắt đầu tham gia vào ngành sản xuất bánh qui thông qua việc mua lại General Biscuit SA-nhà sản xuất hàng đầu tại châu Âu cùng với các công ty hoạt động tại Đức, Hà Lan, Pháp và Ý. Tháng 8 năm 1988 BSN đã tiến hành mua lại công ty bia Belgian Maes, công ty thực phẩm tại Anh HP Foods và Lea & Perrins tại Mỹ đây cũng là một phần trong chiến lược của Riboud để phát triển thị trường một cách bền vững tại Anh và Mỹ .
         Đầu những năm 90, với sự sụp đổ của Bức tường Berlin, BSN đã mở rộng sự hiện diện của mình bằng cách di chuyển vào Đông Âu: Điểm đến đầu tiên là Hungary, Balan năm 1991, Cộng Hòa Séc và Nga năm 1992, Bulgary năm 1993; ngoài ra BSN còn mở rộng thị trường tại các nước châu Á, Mỹ Latinh và Nam Phi. Để tiếp cận với khách hàng ở các thị trường mới như châu Á, Mỹ latinh và Nam Mỹ, BSN Gervais Danone đã tiến hành mua lại hoặc cùng cộng tác với các công ty tại các thị trường đó. Ở Tây Âu, BSN đã tích cực củng cố vị trí của mình bằng việc kiểm soát của một số công ty như công ty sản xuất bánh qui Papadopoulos của Hy Lạp, W & R Jacob của Ireland, công ty sản xuất nước đóng chai Mont Dore.
         Đến năm 1994 công ty đã đổi tên thành Danone Groupe, một cái tên quen thuộc với người tiêu dùng ở 46 quốc gia. Với logo là hình ảnh biểu tượng là cậu bé đang ngước lên nhìn ngôi sao trên bầu trời. Đó là hình ảnh tượng trưng cho tham vọng cao hơn và cao hơn nữa của Danone Groupe.
         Năm 1996, Franck Riboud đã thay thế cha mình Antoine giữ vị trí chủ tịch  và tổng giám đốc điều hành của Danone. Trong tháng 5 năm 1997 Franck Riboud đã đưa ra một số chiến lược mới và tập trung vào ba lĩnh vực kinh doanh chính - sản phẩm sữa, bánh quy, và đồ uống (đặc biệt là nước và bia) với các nhãn hiệu chiến lược mới: Danone, Evivan và LU. Cùng với tham vọng không ngừng mở rộng phạm vi thị trường thông qua việc cung cấp các sản phẩm có chất lượng dành cho tất cả mọi người.
Năm 1997,  Danone Groupe tập trung vào các sản phẩm sữa tươi, Waters và bánh quy. Thực hiện thoái vốn trong các lĩnh vực như bia, món ăn đặc sản và các lĩnh vực khác nhằm tập trung tài chính cho các lĩnh vực chính của Công ty. Việc tăng trưởng được thúc đẩy bởi mua lại và đầu tư vào thương hiệu-Bonafont ở Mexico, La Serenisima và Villa del Sur ở Argentina vào năm 1995; Aqua ở Indonesia và Clover ở Nam Phi vào năm 1998; và Stonyfield ở Mỹ trong năm 2001.
Năm 2003, Danone đã thoát khỏi ngành sản xuất thủy tinh và đến năm 2007 Danone đã bán đi bộ phận bánh qui  bao gồm nhãn hiệu LU cho tập đoàn Kraft Foods với giá 5.3 tỉ euro. Sau đó tiến hành mua lại nhãn hiệu thức ăn dinh dưỡng cho trẻ và thực phẩm thuốc dinh dưỡng của công ty Royal Numico – công ty thực phẩm của Hà Lan và trở thành nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới về thực phẩm cho trẻ
Ngày nay, Danone vẫn đang tiếp tục hoạt động và phát triển với 4 lĩnh vực kinh doanh của mình: các sản phẩm làm từ sữa tươi, nước uống đóng chai, dinh dưỡng cho trẻ em và thực phẩm y tế.
II. Phân tích viễn cảnh, sứ mệnh, mục tiêu chiến lược từ 1973 đến năm 2000.
 - Danone được thành lập từ năm 1973 bởi việc sáp nhập của BSN, (một công ty sản xuất thủy tinh và các sản phẩm như nước tinh khiết, bia) với Gervais Danone (một công ty sản xuất sữa chua và các thực phẩm tươi đóng gói) và trở thành BSN Gervais Danone, một công ty thực phẩm hàng đầu tại Pháp, được lãnh đạo bởi Antoine Riboud. Theo quan điểm của Riboud thì để có được thành công công ty nên đặt ra các mục tiêu về xã hội và chiến lược của công ty nên bao gồm cả mục tiêu về xã hội lẫn mục tiêu về kinh tế.
- BSN Gervais Danone hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thủy tinh, các sản phẩm nước tinh khiết, bia, sữa chua và các thực phẩm tươi đóng gói.
1. Viễn cảnh, sứ mệnh, mục tiêu chiến lược:
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Danone thì viễn cảnh, sứ mệnh của Danone (trước đây là BSN Gervais Danone) không hề thay đổi, Antoine Riboud là người tuyên bố viễn cảnh và sứ mệnh của tập đoàn sau khi BSN sáp nhập với Gervais Danone để trở thành BSN Gervais Danone. Trong quá trình phát triển, tùy theo giai đoạn mà mục tiêu chiến lược có thay đổi cho phù hợp với thị trường và sản phẩm kinh doanh, do đó khi phân tích chúng ta tập trung tìm hiểu các sự kiện chiến lược, quyết định chiến lược để thực hiện sứ mệnh của Danone. Vậy viễn cảnh, sứ mệnh và mục tiêu chiến lược mà Danone đặt ra ngay từ khi thành lập là gì:
1.1. Sứ mệnh:
            “Mang lại sức khỏe cho nhiều người nhất bằng thực phẩm.”
a. Mô tả về kinh doanh :
   Trong sứ mệnh của mình thì Danone đã trả lời rõ 3 câu hỏi về mô tả kinh doanh:
                -     Ai sẽ được thỏa mãn?:  Khách hàng mà tập đoàn hướng đến là tất cả mọi người  trên toàn cầu, đặc biệt tập trung vào những người lớn tuổi, phụ nữ và trẻ em, những người rất cần nhu cầu dinh dưỡng cho sức khỏe.
                -     Sẽ thỏa mãn điều gì ?: với mong muốn trở thành tập đoàn hàng đầu phát triển bền vững trong lĩnh vực thực phẩm cũng như lĩnh vực nước đóng chai. Vì thế công ty luôn tiến hành nghiên cứu phát triển cũng như cải tiến chất lượng sản phẩm để đưa ra thị trường các dòng sản phẩm tinh khiết, an toàn, bổ dưỡng, tự nhiên và hết sức tiện lợi để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
                -     Khách hàng sẽ được thỏa mãn bằng cách nào?: Danone luôn có nhiều cách thức để làm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng của mình thông qua một loạt các hành động:
o        Cung cấp ra thị trường những sản phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe đa dạng về chủng loại sản phẩm: sữa tươi, sữa bột, pho mát, nước tinh khiết, yaougrt và nhiều sản phẩm khác nữa.
o        Có mạng lưới phân phối rộng ở từng quốc gia mà Danone hoạt động
o        Luôn lắng nghe, trao đổi và tư vấn cho khách hàng
o        Thiết lập đội ngũ nhân viên bán hàng : thân thiện, cởi mở, nhiệt tình và lấy phương châm khách hàng là trên hết, phục vụ khách hàng là phục vụ cho chính mình
b. Các mục tiêu :
-  Không ngừng mở rộng thị trường và trở thành nhà cung cấp thực phẩm và nước uống hàng đầu trên thế giới
-  Cung cấp sản phẩm với chất lượng cao
-  Một công ty có trách nhiệm với cộng đồng xã hội
c. Cam kết với các bên hữu quan :
-         Với khách hàng:
Công ty cam kết cung cấp các sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn, đảm bảo đúng hàm lượng vi lượng, cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, giải quyết mọi thắc mắc của khách hàng có liên quan và khách hàng sẽ được phục vụ tận tình chu đáo bởi đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp, với một nền văn hóa duy nhất của Danone.
-  Với nhân viên:
Danone tạo môi trường bình đẳng công bằng, đồng thời tạo cơ hội được học tập phát triển cũng như các giá trị cá nhân được tôn trọng . Danone đưa ra chính sách đào tạo quan tâm tới tất cả nhân viên , từ người quản lý cho tới những công nhân sản xuất đã khiến cho tập đoàn ngày càng trở nên vững mạnh.
-  Với cộng đồng xã hội:
Để thực hiện được sứ mệnh của mình là cung cấp những thực phẩm thực uống dinh dưỡng tốt nhất đến cho tất cả mọi người, Danone nhận thấy rằng việc bảo vệ hệ thống sinh thái tự nhiên là điều cần thiết, sự cam kết này cũng mang ý nghĩa trong việc đáp ứng của khách hàng ở hiện tại và cả trong tương lai .Vì vậy công ty đã đưa ra nhiều chính sách dài hạn trong việc bảo vệ môi trường như: giảm lượng khí thải, bảo vệ nguồn nước …Ngoài ra công ty còn tham gia nhiều hoạt động xã hội khác nhằm đóng góp chia sẻ những lợi ích vật chất, tinh thần cho cộng đồng . Đặc biệt hổ trợ giúp đỡ người tàn tật vươn lên trong cuộc sống.
-  Với nhà cung cấp, nhà phân phối, đối tác cũng như các cổ đông:
Công ty luôn cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi có thể để họ kiếm được mức lợi nhuận một cách thỏa đáng và mong muốn gắn bó hợp tác dài với công ty.
Ngay từ khi mới thành lập năm 1919, Danone đã xác định việc kinh doanh của họ là mang lại sức khỏe cho con người, cho khách hàng của họ. Vì vậy, đến năm 1973, khi sáp nhập với BSN thì sứ mệnh đó không hề thay đổi, nó chỉ được nêu rõ thêm nhằm định hướng hoạt động cho tổ chức. Khách hàng của Danone là những người rất cần tới nhu cầu bổ sung thực phẩm có lợi cho sức khỏe, là trẻ em, người già và phụ nữ. Đây là đối tượng khách hàng mà Danone hướng đến và trên cơ sở đó họ xác định sản phẩm mà họ phục vụ cho đối tượng khách hàng này là  các dòng sản phẩm tinh khiết, an toàn, tự nhiên và hết sức tiện lợi để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Bên cạnh đó, họ xác định rõ ràng phương pháp phục vụ khách hàng: cung cấp các sản phẩm đa dạng đến tận tay người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối rộng trên từng quốc gia mà Danone hiện diện. Rõ ràng Danone theo đuổi chiến lược mở rộng thị trường nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng không những thông qua sự hiện diện toán cầu của sản phẩm mà còn thông qua đội ngũ nhân viên được đào tạo dựa trên văn hóa duy nhất của Danone, lấy triết lý con người làm kim chỉ nam, lấy phương châm khách hàng là trên hết để ứng xử.
Bên cạnh đó, một hệ thống các cam kết với các bên hữu quan giúp cho Danone cho cách nhìn nhận và ứng xử hợp lý. Các cam kết với khách hàng, nhân viên, cộng đồng xã hội và nhà cung cấp, nhà phân phối cũng như cổ đông đã tạo niềm tin vững chắc cho sự hoạt động và phát triển của Danone. Tất cả những vấn đề này nhằm thực hiện một mục tiêu của Danone là mở rộng thị trường và trở thành nhà cung cấp thực phẩm hàng đầu thế giới, cung các các sản phẩm đạt chất lượng cao và đa dạng về chủng loại, đồng thời tạo ra một sự đồng hành của công ty với vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, có trách nhiệm với cộng đồng xã hội.
1.2. Viễn cảnh :
a. Giá trị cốt lõi :4 giá trị cốt lõi được Danone khám phá ra và chia sẻ bên trong tổ chức đó là:
- Nhân văn (Humanism):
+ Chia sẻ: thành thật với chính mình và với người khác để tạo nên đối thoại, sự minh bạch và tinh thần đồng đội.
+ Trách nhiệm: quan tâm đến sự an toàn của nhân viên và sản phẩm, cũng như trách nhiệm xã hội.
+ Tôn trọng người khác: chúng ta cảm nhận sự khác biệt văn hóa, đối xử với mọi người cùng với sự tôn trọng và hỗ trợ phát triển đối với đối tác kinh doanh.
- Cởi mở (openness):
+ Tìm tòi và khám phá: nhận thức điều chúng ta làm hôm nay và chủ động hoạch định tương lai. Chúng ta đón nhận những tư tưởng mới, sáng tạo bằng cách đào thải những cái cũ, nhám chán.
+ Linh hoạt: minh chứng cho tính năng động và bền bỉ, chúng ta thích ứng nhanh chóng với những tình huống một cách linh hoạt.
+ Đối thoai: phong cách quản trị nghiêm túc, khuyến khích chủ động lắng nghe và thảo luận thẳng thắng, khuyến khích tranh luận và tiếp thu những quan điểm bất đồng.
   - Gần gũi (Proximity):
   + Dễ tiếp cận: phong cách quản trị dễ tiếp cận và thẳng thắn.
   + Đáng tin cậy: thành thật với chính mình và chịu trách nhiệm về hành động của mình.
   + Đồng cảm: kết nối với khách hàng, nhà cung cấp và người tiêu dung một cách chân thành để gây dựng mối quan hệ gần gũi chứ không chỉ là mối quan hệ mua bán.
   - Nhiệt tình:
   + Can đảm: suy nghĩ và hành động độc lập, chấp nhận rủi ro và khám phá các hướng phát triển mới.
   + Đam mê: làm việc và lãnh đạo một cách quyết đoán, công việc là niềm vui khi vượt qua sự mong đợi và đạt đến sự hoàn hảo.
 b. Mục đích cốt lõi:
Không tồn tại đơn thuần là vì lợi nhuận mà cao hơn nữa đó là vì sức khỏe của người tiêu dùng. Mong muốn đem lại những sản phẩm tốt nhất cho mọi người đồng thời cũng muốn góp phần vào việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.
c. Hình dung tương lai: 
- Mục tiêu thách thức: Trở thành tập đoàn hàng đầu thế giới về cung cấp thực phẩm (đặc biệt trong 4 lĩnh vực kinh doanh của mình).
- Mô tả về tương lai: Trong tương lai, thực phẩm sẽ góp phần để sống khỏe mạnh. Danone Nutricia nghiên cứu phấn đấu để dự đoán nhu cầu thực phẩm, cho thấy những lợi ích vô tận của thực phẩm, và cho phép tất cả mọi người để tăng cường sức khỏe tổng thể của họ theo thời gian.
Danone xây dựng viễn cảnh dựa trên mục đích cốt lõi là tồn tại không chỉ vì lợi nhuận và là mục mục đích cao cả hơn đó là sức khỏe con người, và cũng chính tại Danone, các nhà lãnh đạo đã đưa ra những nguyên tắc, chuẩn mực được xây dựng dựa trên con người để làm nền tảng cho sự phát triển. Viễn cảnh về lợi ích vô tận của thực phẩm thông qua các sản phẩm mà Danone cung cấp, tăng cường sức khỏe tổng thể cho người tiêu dùng, một thế giới với sự hỗ trợ của thực phẩm từ Danone đã tạo ra một niềm tin, một ý chí phấn đấu cho một tổ chức mà nền tảng được xây dựng dựa trên con người.
1.3 Mục tiêu chiến lược.
- Sản phẩm hiện diện khắp toàn cầu, đây là một trong những mục tiêu hàng đầu mà Danone theo đuổi, việc mua lại, liên doanh đã diễn ra liên tục không ngừng với mong muốn sản phẩm của Danone hiện diện mọi nơi trên thế giới.
- Phạm vi sản phẩm kinh doanh: 100% định hướng sức khỏe người tiêu dùng. Đây là kim chỉ nam cho mọi hoạt động kinh doanh của Danone, mang lại sức khỏe cho thật nhiều người bằng thực phẩm, do đó sản phẩm của Danone gắng liền với sức khỏe con người, gắng liền với xã hội.
- Một chuỗi sản phẩm bền vững: hướng đến an toàn sức khỏe người tiêu dùng đồng thời cam kết an toàn, bền vững đối với môi trường tự nhiên. Các dự án kinh doanh của Danone luôn đi kép với các dự án xã hội, một sản phẩm bền vững, an toàn không chỉ mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn là sản phẩm sản xuất ra ít ảnh hưởng đến môi trường, không phá hoại thiên nhiên.
- Sản phẩm có sẵn cho mọi người, ở khắp mọi nơi, đa dạng phong phú về chủng loại, phù hợp với mọi nền văn hóa. Danone luôn quan niệm, bất kỳ khi nào khách hàng cần thì sản phẩm của Danone phải đáp ứng không chỉ thể hiện sự tiện ích mà còn phải đảm bảo về số lượng, chủng loại. Và đặc biệt việc xuất hiện ở khắp mọi nơi trên thế giới và trên tinh thần tôn trọng cá nhân nên Danone luôn cung cấp sản phẩm phù hợp với mọi nền văn hóa, đáp ứng một cách triệt để nhu cầu của khách hàng.
2. Phân tích các sự kiện và hoạt động chiến lược.
   Việc kết hợp giữa một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm thủy tinh đang định hướng dẫn sang kinh doanh thực phẩm với một công ty đã có truyền thống lâu năm trong việc sản xuất sữa chua và các sản phẩm tươi đóng gói đã giúp BSN Gervais Danone tạo được lợi thế trong việc cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm và các loại nước đóng chai. Với viễn cảnh dựa trên giá trị cốt lõi là con người và các mối quan hệ, ứng xử trong cách quản trị với con người là sự nhân văn, sự gần gũi, sự cởi mở, nhiệt tình và trên hết là theo đuổi mục đích cốt lõi là mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên
Với sứ mệnh là mang lại sức khỏe cho con người càng nhiều thông qua thực phẩm, Danone đã xác định rõ ràng lĩnh vực kinh doanh, cách thức ứng xử, cam kết đối với các bên hữu quan. Do đó, mục tiêu trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về kinh doanh thực phẩm, Danone đã thực hiện một chiến lược để thực hiện mục tiêu này thông qua một loạt các sự kiện, hành động và quyết định chiến lược trong thời gian từ năm 1973 đến năm 2000.
*/ Chiến lược mở rộng thị trường.
Trong những năm 1973 đến năm 2000, BSN Gervais Danone tập trung chiến lược vào việc mở rộng thị trường thông qua việc mua lại hoặc liên doanh nhằm tạo ra hệ thống phân phối rộng khắp thế giới, bên cạnh đó BSN Gervais Danone cũng dần thu hẹp lĩnh vực kinh doanh và tập trung chính vào ngành kinh doanh thực phẩm và biến tập đoàn trở thành tập đoàn hành đầu thế giới trong ngành thực phẩm.
Năm 1980, BSN Gervais Danone nhận thấy để có thể  cạnh tranh với các tập đoàn hàng đầu như Nestle, Uniliver … thì BSN Gervais Danone phải cần một nguồn lực lớn để mở rộng thị trường, vì vậy BSN Gervais Danone đã quyết định bán đi lĩnh vực kinh doanh kính phẳng và tập trung nguồn lực tăng tốc mở rộng thị trường kinh doanh thực phẩm. BSN Gervais Danone đã mua lại và mở rộng thị trường đến một số nơi như: Amora, Maille, Vandamme và La Pie Qui Chante. BSN Gervais Danone vạch ra một chiến lược dài hạn nhằm xâm nhập tất cả các thị trường tiềm năng trên thế giới. Đến năm 1986, BSN Gervais Danone mở rộng lĩnh vực kinh doanh bằng cách mua lại thương hiệu bánh quy nổi tiếng là LU và tiếp tục mua lại các công ty con ở Châu Âu như Belin Nabisco (Pháp), Jacob (Anh) và SAIWA (Italy) và trở thành công ty hàng đầu ở Châu Âu trong phân khúc kinh doanh bánh quy.
Chiến lược mở rộng thị trường được phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong những năm 1990, Công ty đã hoàn tất việc hiện diện trên tất cả các thị trường ở Châu Âu bằng việc mở rộng thị trường sang Đông Âu, Hungary và Ba Lan năm 1991, Cộng hòa Séc và Nga năm 1992, Bulgary năm 1993. Bên cạnh đó việc liên doanh với tập đoàn sản xuất thực phẩm và phân phối Clover Industries Limited để hiện diện ở Nam Phi vào năm 1998 là một thành công lớn trong chiến lược mở rộng thị trường. Ngoài ra, nếu không có những sai lầm trong việc nghiên cứu chính sách, thương hiệu .. dẫn đến thất bại của liên doanh với Wahaha joint venture group để hiện diện ở Trung Quốc.
Chiến lược mở rộng thị trường thông qua việc mua lại, liên doanh của Danone đã thành công rực rỡ, đến những năm 2000 Danone đã hiện diện ở khoảng 120 quốc gia khắp 5 châu với hệ thống mạng lưới phân phối hàng đầu thế giới.
*/  Thành công trong liên doanh với Clover Industries Limited (một trong những sự kiện, quyết định mang lại lợi ích hàng đầu cho Danone)
Clover Industries Limited (CIL) là một trong những nhà sản xuất và tiếp thị hàng đầu thế giới về các sản phẩm sữa ở Nam Phi. Công ty có một lịch sử hơn 100 năm. Trụ sở chính của nó là ở Roodepoort, Nam Phi. Sản phẩm được sản xuất bởi Clover bao gồm sữa, phô mai, sữa trứng, bơ, kem, sữa chua, sữa đặc, kem, sữa đặc, bột sữa, trà đá và nước đóng chai. 
Clover đã phát triển một mạng lưới phân phối rộng lớn và  lớn nhất trong các sản phẩm hàng tiêu dùng ướp lạnh ở Nam Phi. Theo mạng lưới này , Clover được tạo ra và duy trì bởi các doanh nghiệp sữa, là một tài sản quan trọng và là năng lực cốt lõi của công ty và dự kiến rằng nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp vì nó cung cấp một nền tảng lý tưởng cho Clover để mở rộng sạng các thị trường lân cận Nam Phi. Clover hiện đang có 14.000 điểm bán lẻ tại Nam Phi.
Liên doanh được thành lập vào ngày 1 tháng 1 năm 1998 , chuyên sản xuất, tiếp thị , phân phối cho các sản phẩm sữa, nước nước đóng chai...Liên doanh này đã khá thành công tại thị trường Nam Phi và các nước lân cận với những thương hiệu sản phẩm có tiếng.
Danone chọn Clover để liên doanh vì 3 lý do sau: 1.Clover là công ty dẫn đầu Nam Phi trong lĩnh vực sản xuất, tiếp thị và phân phối các sản phẩm sữa, nước đóng chai,... .Clover đã tạo dựng một hệ thống phân phối rộng khắp không những ở Nam Phi mà còn các nước khác thuộc Châu Phi. 2.Thông qua Clover Danone dễ dàng tiếp cận tìm hiểu và thâm nhập từng bước vào thị trường Châu Phi. 3.Clover đứng trước nhu cầu cần  vốn đầu tư nước ngoài để thay đổi cơ cấu , tái định vị các nhà máy, kinh phân phối của công ty.
Danone Clover được thành lập cách đây 14 năm, được xem là sự kết hợp hoàn hảo giữa hai tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống. Suốt 12 năm hoạt động dưới thương hiệu Danone Clover, công ty liên doanh này đã gặt hái được nhiều thành công cả về doanh số và giá trị thương hiệu thông qua các sản phẩm sữa tươi, nước giải khát như : NutriDay, Ikomazi,Yogi sip,Vitalinea ,Danino, Danao, và nhiều sản phẩm có tiếng khác. Thông qua mô hình liên doanh, Danone Clover đã thành công trong việc tạo ra những thị trường mới, những sản phẩm mới và lượng tiêu thụ sản phẩm sữa chua của công ty đã tăng gấp 5 lần sau 12 năm. Các nhóm thực phẩm và đồ uống của Pháp đã đứng đầu toàn bộ thủ đô của Nam Phi với thị phần là 44% (2007) thông qua các thương hiệu như Nutriday, Activia và Ultramel Inkomazi.
Góp phần lớn trong việc mang lại thành tựu cho  Tập đoàn Danone thông qua việc liên doanh này, phải kể đến dòng sản phẩm nước giải khát Clover Danone Beverages. Công ty đồ uống Clover Beverage được thành lập tại Nam Phi vào ngày 1/7/2002 sau một cuộc chuyển đổi cơ cấu hoàn toàn của tập đoàn Clover. Trong đó, Clover chiến 55% cổ phần, Danone nắm giữ 37,6% cổ phần và 7,4% thuộc về các cổ đông nhỏ lẻ khác. Tháng 8 năm 2003, tập đoàn Danone có ý định gia tăng cổ phần trong Clover Beverages nên đã đề nghị mua lại 2.1% cổ phiếu từ các cổ đông thiểu số. Sau đó tháng 12 năm 2003, tên công ty được đổi thành Clover Danone Beverages. Việc Danone tập trung nguồn lực vào việc phát triển công ty giải khát là hoàn toàn phù hợp với chiến lược kinh doanh của tập đoàn với mục tiêu tăng trưởng doanh số và giá trị thương hiệu trong năm 2008. Liên tục một thời gian dài, các sản phẩm đổ uống của công ty tăng trưởng đều về lượng tiêu thụ. Các sản phẩm: Tropika,Ultra Mel,CloverKrush,Manhattan Ice Tea and Super M.A trở thành thương hiệu mạnh đánh bật những sản phẩm đồ uống khát ở thị trường Nam Phi. Không những thể, thương hiệu kết hợp mới này nhanh chóng có được chỗ đứng tại những thị trường khác ở châu Phi ,đặc biệt là ở Angola, Namibia,Mozambique...Thành công này phải kể đến vai trò của đối tác Clover trong việc phân phối các sản phẩm mới tới các thị trường mới.
               Nói về sự hợp tác thành công này , đồng Giám đốc điều hành của Danone, ông Bernard nhận xét: "Hợp tác với một trong những công ty thực phẩm lớn nhất ở châu Phi đã là một thử thách cho Danone. Sự kết hợp này đã cho phép chúng ta xây dựng thành công một thương hiệu với tăng trưởng bền vững, không chỉ ở Nam Phi, nhưng rộng hơn trong toàn bộ khu vực (đặc biệt là ở Angola, Namibia, Mozambique).  Sự tin cậy và tính chuyên nghiệp của Tập đoàn Clover đã đóng một vai trò quan trọng trong thành tựu này. Sự nghiêm túc trong việc kiểm soát liên doanh khẳng định rằng chúng chúng tôi luôn hướng đến việc kinh doanh bền vững và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng châu Phi.”
               Johann Vorster, Giám đốc điều hành của Clover, nhận xét: "Clover SA có rất nhiều lợi ích từ việc liên doanh này trong 12 năm qua, và nhận ra một lợi nhuận khá lớn thông qua sự kết hợp này.  Lợi nhuận nhận được sẽ được đưa vào sử dụng tốt trong việc tái định vị các nhà máy của Clover và định hình lại cơ sở phân phối của công ty chúng tôi. Đó là dự định từ lâu nhưng chúng tôi không thể làm do thiếu vốn.”
*/  Thất bại trong liên doanh với Wahaha joint venture group(một thất bại mang tính chủ quan trong vấn đề sở hữu thương hiệu và thiếu hiểu biết về văn hóa Trung Quốc của Danone)
Tập đoànWahaha là công ty kinh doanh nước giải khát lớn nhất Trung Quốc. Hình thành từ năm 1987, ban đầu là một cửa hàng bán nước giải khát nhỏ trong một trường học ở huyện Thượng Thành, với số vốn chỉ vỏn vẹn 200.000 NDT. Sau 23 năm, đến năm 2007, dưới sự điều hành của ông tổng giám đốc Tống Khánh Hậu, Wahaha kiếm được 25,8 tỷ NDT. Và trong 10 năm gần đây, Wahaha liên tục đứng đầu trong danh sách các công ty trong nước về tổng sản lượng, lợi nhuận và tổng tài sản tại Trung Quốc.
Sản phẩm của Wahaha gồm có nước đóng chai, nước trái cây, trà xanh, sữa, mỳ ăn liền, hạt hướng dương … gắn liền với văn hóa Trung Quốc, khác biệt với những thương hiệu quốc tế như Coca-Cola hay PepsiCo.
Năm 1996, tập đoàn Wahaha đã bán 51% cổ phần cho Danone hình thành một liên doanh ‘’ Wahaha join venture group ’’ sản xuất và bán các sản phẩm mang thương hiệu Wahaha. Người đứng đầu công ty vẫn là ông Tống Khánh Hậu, chịu trách nhiệm điều hành công ty. Trong suốt 10 năm sau đó liên doanh này phát triển nhanh chóng, tăng gấp đôi sản lượng trong vòng một năm từ 1996-1997. Nhờ thị trường Trung Quốc, Danone hằng năm thu về 1,4 tỷ euro, bằng một phần mười doanh số của cả tập đoàn. Tuy nhiên, những vấn đề pháp lí và quản lí liên doanh không được giải quyết tốt khiến liên doanh này đi đến thất bại đáng nhớ trong lịch sử.
Tập đoàn Danone liên doanh với tập đoàn Wahaha vì 3 nguyên nhân chính sau: 1. Danone chuyên sản xuất những mặt hàng như bánh và các sản phẩm như sữa rất nổi tiếng trên thế giới tại Châu Âu. Khi thị trường Châu Âu bước vài giai đoạn bão hòa nên tập đoàn này muốn chuyển hướng phát triển sang thị trường Châu Á, và Trung Quốc là nơi đến đầu tiên của họ. 2.Nhãn hiệu thực phẩm Wahaha thuộc sở hữu của tập đoàn Hangzhou Wahaha, hãng sản xuất nước giải khát lớn nhất và là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Trung Quốc. Với mạng lưới phân phối rộng rãi khắp toàn quốc và chiếm được phần lớn thị phần trên thị trường nên Wahaha hội tụ đầy đủ các yếu tố giúp Danone dễ dàng thâm nhập vào một thị trường đầy tiềm năng như Trung Quốc. 3.Về phía Wahaha, vì muốn xây dựng một doanh nghiệp mang tầm cỡ thế giới bằng cách sử dụng vốn quốc tế, nên ông tổng giám đốc Tống Khánh Hậu đã quyết định bán cổ phần cho công ty Danone.
Wahaha Joint Venture Group được thành lập vào tháng hai năm 1996. Lúc đầu có ba bên tham gia liên doanh: tập đoàn thực phẩm Wahaha, Danone Group-một công ty Pháp, Baifu-một công ty Hong Kong. Danone và Baifu không đầu tư trực tiếp trong liên doanh, thay vào đó Danone và Baifu thành lập công ty đầu tư Jinjia-một công ty Singapore. Khi hình thành, Wahaha Group sở hữu 49% cổ phần của liên doanh và Jinjia sở hữu 51% cổ phần. Cấu trúc này dẫn đến sự hiểu lầm giữa các bên tham gia: Wahaha sở hữu 49% cổ phần, Danone 255,5%, Baifu 25,5 % nên Wahaha có quyền kiểm soát liên doanh, do đó Wahaha không cảm thấy lo âu khi chuyển giao thương hiệu của mình để liên doanh, và phía Wahaha tham gia liên doanh này có “suy tính” kỹ lưỡng hơn phía nước ngoài.
Năm 1998, Danone mua lại cổ phần của Baifu trong Jinjia, và trở thành chủ sở hữu 100% trong Jinjia hay đã sở hữu 51% cổ phần trong liên doanh, có quyền kiểm soát hợp pháp đối với liên doanh.vSự thay đổi này tạo nên cú sốc cho tập đoàn Wahaha. Ông Tống Khánh Hậu (đứng đầu tập đoàn Wahaha) nhận ra rằng:
Ø  Họ đã mất quyền kiểm soát hoàn toàn trong liên doanh
Ø  Một công ty nước ngoài đang kiểm soát liên doanh.
Điều này đã tạo ra sự bất bình về phía Wahaha.
Tại thời điểm liên doanh, thương hiệu Wahaha được thẩm định có giá trị 100 triệu nhân dân tệ ( 13.2 triệu USD ) và được đóng góp vào liên doanh, còn Jinjia đóng góp 500 triệu nhân dân tệ ( 66.1 triệu USD )  bằng tiền mặt.Như vậy Wahaha đã không đóng góp tiền mặt trong liên doanh nhưng lại muốn chia 49% lợi nhuận trong liên doanh cho đóng góp nhãn hiệu đó. Đồng thời tập đoàn Wahaha cũng đã cam kết rằng sẽ không có một công ty nào khác nữa được sử dụng nhãn hiệu này và cũng không sử dụng nhãn hiệu cho các hoạt động kinh doanh độc lập của công ty. Wahaha Group sẽ chính thức chuyển giao thương hiệu cho liên doanh. Tuy nhiên, pháp luật Trung Quốc không cho phép chuyển giao thương Wahaha vì đây là thương hiệu nổi tiếng thuộc sở hữu nhà nước nên không được chuyển giao cho doanh nghiệp tư nhân. Do đó thay vì chấm dứt liên doanh và giải quyết vấn đề này, các cổ đông ( Danone và Wahaha Group) đã quyết định bổ sung thêm một thoả thuận cấp phép sử dụng thương hiệu độc quyền vào hợp đồng liên doanh.Tuy nhiên để qua mặt Văn phòng thương hiệu Trung Quốc, họ đã không sử dụng một hợp đồng chính thức mà chỉ là một thoả thuận cấp phép viết tắt. Vì vậy, Wahaha đã dựa trên sơ hở đó để không thực hiện các nghĩa vụ cơ bản đối với liên doanh là chuyển giao việc sử dụng thương hiệu.
Mặc dù Danone là cổ đông lớn nhất nhưng việc điều hành liên doanh lại được giao cho ông Tống Khánh Hậu-chủ tịch tập đoàn Wahaha. Ông đã điều hành liên doanh như công ty của cá nhân này, các chức vụ quản lý được giao cho thành viên gia đình mình (vợ và con gái) và người từ tập đoàn Wahaha. Theo quản lý của ông Tống Khánh Hậu thì liên doanh này đã trở nên rất thành công trở thành công ty nước giải khát đóng chai lớn nhất Trung Quốc, chiếm 15% thị phần. Nhưng bắt đầu từ năm 2000, ông Tống Khánh Hậu và Wahaha Group đã bắt đầu tạo ra một loạt các công ty cạnh tranh trực tiếp với liên doanh, bán các sản phẩm tương tự như liên doanh và sử dụng thương hiệu Wahaha. Danone và Wahaha Group không nhận được lơi ích nào từ những công ty như vậy và sản phẩm của liên doanh và những công ty đó được bán bởi cùng một nhân viên bán hàng. Việc tạo ra các công ty như vậy không vi phạm giấy phép nhãn hiệu và Hiệp định liên doanh.
Từ những nguyên nhân trên, Danone đã tiến hành kiện Wahaha Group và liên doanh chính thức tan rã. Điều này đã giúp Danone rút ra bài học về liên doanh với các tập đoàn của Trung quốc, thất bại này cũng góp phần giảm thị phần đáng kể của Danone tại Trung Quốc cũng như thất bại trong chiến lược mở rộng thị trường khắp thế giới.
*/ Chiến lược kinh doanh tập trung.
Lịch sử kéo dài từ năm 1973 đến năm 2000 đã đưa ra hoàng loạt các sản phẩm mà Danone kinh doanh. Bắt đầu từ năm 1973, với lợi thế là hai công ty chiếm thị phần lớn trong ngành thủy tinh và sản xuất sữa chua, thực phẩm tươi đóng gói, sau khi sáp nhập, BSN Gervais Danone đã tiếp tục sử dụng lợi thế này để phát triển kinh doanh trong ngành thực phẩm. Đến năm 1980, khi nhận ra kinh doanh thực phẩm mới là ưu tiên hàng đầu và để cạnh tranh với các tập đoàn lớn khác như Nestle, Uniliver … thì BSN Gervais Danone đã bán đi ngành kinh doanh kính phẳng nhằm mở rộng thị trường kinh doanh mà mục đích cuối cùng là trở thành tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực mình đang kinh doanh. Năm 1986, Danone thâm nhập vào thị trường kinh doanh bánh quy bằng cách mua lại thương hiệu nổi tiếng LU, và trong vong vài năm sau đó Danone đã mua lại các Công ty con Belin Nabisco (Pháp), Jacob (Anh) và SAIWA (Italy).  Chiến lược kinh doanh này đã đưa Danone trở thành thương hiệu hàng đầu về kinh doanh bánh quy ở Châu Âu
Trong từng thời điểm, Danone đã tiếp cận các ngành kinh doanh khác nhau, tuy nhiên họ không duy trì mãi những thương hiệu một thời nổi tiếng mà chuyển đổi kinh doanh rất linh hoạt. Đến năm Franck Riboud kế vị cha mình để trở thành Giám đốc điều hành của Danone. Ông đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng quốc tế, đồng thời thu hẹp trọng tâm của nhóm với ba ngành nghề kinh doanh có tiềm năng tăng trưởng tốt nhất và những thương hiệu mạnh, tươi Sữa, Waters và bánh quy.
Vậy, từ một công ty chuyên kinh doanh trong ngành thủy tinh, chai lọ, sữa chua và thực phẩm tươi đóng gói thì đến năm 2000, Danone chỉ còn tập trung kinh doanh những thương hiệu mạnh như sữa tươi, Waters và bánh quy và là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về 3 lĩnh vực mà Danone kinh doanh.

III. Kết luận lịch sử.
Trãi qua 28 năm kinh doanh, từ năm 1973 đến năm 2000 Danone đã dần trở thành một tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm. Với chiến lược kinh doanh tập trung thì đến năm 2000 Danone vẫn đang phát triển tập trung vào 3 thương hiệu mạnh nhất là sữa tươi, nước uống đóng chai và bánh quy
Trong suốt quá trình lịch sử thành lập và hoạt động, Danone đã xác định rằng tại Danone chỉ có một viễn cảnh, một sứ mệnh, một niềm tin, một sự quyết tâm và duy nhất một nền văn hóa. Dó đó, mọi giá trị cốt lõi, mục đích cốt lõi, các mục tiêu và cam kết với các bên hữu quan được giữ nguyên vẹn và duy trì theo thời gian. Danone vẫn luôn theo đuổi chiến lược là mở rộng thị trường và đổi mới sản phẩm phù hợp với từng thời kỳ và từng quốc gia, từng nền văn hóa khác nhau; chiến lược thu hẹp phạm vi ngành nghề kinh doanh và chỉ tập trung vào 3 lĩnh vực tiềm năng là các sản phẩm từ sữa, nước uống đóng chai và bánh quy. Danone kinh doanh sản phẩm vì sức khỏe con người, xây dựng các giá trị, niềm tin dựa trên văn hóa của Danone mà nền tảng là con người. Vì vậy, lợi thế cạnh tranh mà Danone tạo ra so với các đối thủ cạnh tranh là chất lượng của sản phẩm và khả năng phục vụ khách hàng vượt trội, với phương châm khách hàng là trên hết.
Đến những năm 2000, Danone giữ trong tay 3 thương hiệu mạnh là sữa tươi, nước đóng chai và bánh quy, với một nền văn hóa được xây dựng lâu dài và truyền thống, kinh nghiệm trong ngành kinh doanh thực phẩm đã giúp Danone đạt được một số thành tựu quan trọng (in company report in 2000):
- Doanh thu năm 2000 đạt 14,287 tỷ đô la. Trong đó 5 thương hiệu Danone, LU, Galbani, Evian tại Wahaha - chiếm 62% tổng doanh số bán hàng .
- Danone là thương hiệu số 1 thế giới về các sản phẩm sữa; LU là thương hiệu bánh ngọt đứng thứ 2 trên thế giới cho bánh ngọt ;  Evian, Wahaha (ở Trung Quốc) và Volvic là 3 trong nhóm 4 thương hiệu hàng đầu thế giới về nước uống đóng chai.
- Danone có mặt trên 120 quốc gia với 170 nhà máy sản xuất cộng với tổng số nhân viên là 86.657 người.
- Lĩnh vực kinh doanh chiến lược, cốt lõi: sản phẩm từ sữa, nước đóng chai và bánh quy. Ba lĩnh vực kinh doanh chiếm 97% doanh thu của tập đoàn Danone.
- Mức độ tăng trưởng doanh số năm 2000 là 7%, một trong những mức độ tăng trưởng tốt nhất trong ngành kinh doanh thực phẩm.
- Thương hiệu được cũng cố, nổi bậc nhờ các quảng cáo chuyên sâu về tiềm năng xây dựng sức khỏe và sức sống của  con người.
- Các thị trường chiếm thị phần lớn:
+ Tây Âu:  Doanh thu: 8,8 tỷ đô, chiếm 59% tổng doanh thu của tập đoàn Danone, tổng số nhân viên là 28.023 người. Đứng vị trí thứ nhất về các sản phẩm sữa và bánh quy, đứng thứ 2 về các sản phẩm nước đóng chai. Các thị trường mạnh nhất: Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Benelux.
+ Bắc Mỹ:  Doanh thu: 1,6 tỷ đô, chiếm 12% tổng doanh thu của tập đoàn Danone, tổng số nhân viên là 4.968 người. Đứng vị trí thứ nhì về các sản phẩm sữa và nước đóng chai. Các thương hiệu chính là Danone, Evian, Sparkletts.
+ Châu Á – Thái Bình Dương:  Doanh thu: 1,6 tỷ đô, chiếm 12% tổng doanh thu của tập đoàn Danone, tổng số nhân viên là 33.736 người. Đứng vị trí thứ nhất về các sản phẩm sữa, nước đóng chai và bánh quy. Các thương hiệu chính là Wahaha, Robust, Britannia, Danone, Aqua. Các thị trường mạnh nhất là: Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia,  Indonesia, Pakistan.
+ Châu Mỹ La tinh:  Doanh thu: 1,4 tỷ đô, chiếm 11% tổng doanh thu của tập đoàn Danone, tổng số nhân viên là 12.465 người. Đứng vị trí thứ nhất về các sản phẩm sữa, nước đóng chai và bánh quy. Các thương hiệu chính là Danone, Bagley, La Serenissima, Villa del Sur, Villavicencio. Các thị trường mạnh nhất là: Argentina, Brazil, Mexico.
+ Đông Âu:  Doanh thu: 0,6 tỷ đô, chiếm 5% tổng doanh thu của tập đoàn Danone, tổng số nhân viên là 7.415 người. Đứng vị trí thứ nhất về các sản phẩm sữa và bánh quy. Các thương hiệu chính là Danone, Opavia. Các thị trường mạnh nhất là: Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary, Nga.
+ Các khu vực khác: Đứng vị trí số 1 về sản phẩm sữa ở Nam Phi, ngoài các chi nhánh mà Danone có cổ phần giữ vị trí rất cáo ở Bắc Phi, Mỹ La tinh, Đông Âu và Trung Đông.
Nhìn chung, cho đến năm 200 thì Danone đã trở thành một tập đoàn đứng đầu thế giới trong lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm từ sữa, nước uống đóng chai và bánh quy. Những giá trị cốt lõi, mục đích cốt lõi, niềm tin và những cam kết xây dựng dựa trên một nền văn hóa lâu đời của Danone đã tạo ra một tập đoàn phát triển kinh doanh vì con người, xây dựng giá trị dựa trên con người, vì các mục đích xã hội. Danone đã thành công trong lĩnh vực kinh doanh chính, chất lượng sản phẩm, sự cải tiến về sản phẩm, sự đa dạng chủng loại cũng như sự phù hợp của sản phẩm với mọi đối tượng khách hàng, mọi nền văn hóa và khả năng phục vụ khách hàng là lợi thế vượt trội so với đối thủ. Những tiền đề này làm nền tảng cho sự phát triển của Danone trong giai đoạn 2000 về sau, nó diễn giải cho các sự kiện, chiến lược mà Danone đã áp dụng để tạo nên sự thành công cho tập đoàn đến thời điểm hiện tại.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét